Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Cuộc thi học thuật Dòng chảy Văn hóa Việt 2018

Từ ngày 25/4 đến ngày 13/5/2018 vừa qua, cuộc thi học thuật Dòng chảy Văn hóa Việt do CLB Văn hóa học và CLB Sử học trẻ (Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM) lần đầu tiên phối hợp tổ chức đã diễn ra vô cùng sôi nổi.

Dòng chảy Văn hóa Việt năm 2018 có chủ đề Hành trình di sản, nội dung thi xoay quanh các di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh, qua đó giúp sinh viên nâng cao kiến thức về tiến trình lịch sử và văn hóa dân tộc. Với quy mô và đối tượng hướng đến sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP.HCM, cuộc thi đã thu hút 42 đội với 168 thí sinh đến từ 14 trường. Ngoài trường “chủ nhà”, một số trường bạn có thí sinh dự thi đông đảo hàng đầu như Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Y dược…
Vòng loại diễn ra vào ngày 25/4, các thí sinh thi làm bài trắc nghiệm 30 câu theo hình thức thi trực tuyến để chọn ra 8 đội có số điểm cao nhất. Vòng bán kết diễn ra vào sáng ngày 6/5 với hình thức thử thách đồng đội. Các bạn sẽ trải nghiệm thực tế trong khu vực nội ô thành phố, vượt qua những thử thách từ BTC và trả lời các câu hỏi khá “hóc búa” có liên quan đến các loại hình di sản.


4 đội xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết diễn ra vào sáng ngày 13/5 tại Hội trường C – Trường ĐH KHXH&NV, cơ sở Thủ Đức. “Cầm cân nẩy mực” cho vòng chung kết là “bộ ba quyền lực” gồm TS. Lý Tùng Hiếu (Khoa Văn hóa học), TS. Huỳnh Bá Lộc và ThS. Dương Thành Thông (Khoa Lịch sử). Ở vòng chung kết, các thí sinh trải qua bốn chặng đấu: Nhấn chuông trả lời câu hỏiGiải mã mảnh ghépThuyết minh di sảnHùng biện về ứng xử với di sản.
Trong đó, chặng cuối cùng hết sức gay cấn, làm “đau đầu” cả khán giả lẫn Ban Giám khảo. Ở chặng này, 4 đội bắt thăm chia thành 2 cặp đấu, mỗi cặp nhận một chủ đề. Trong mỗi chủ đề sẽ có hai ý kiến ủng hộ và phản đối, cặp đấu lại tiếp tục bắt thăm để lựa chọn quan điểm mà mình phải bảo vệ. Với câu hỏi nên trùng tu di sản vật thể hay nên giữ nguyên trạng và câu hỏi nên biểu diễn di sản văn hóa phi vật thể trên sân khấu hay giữ đúng không gian truyền thống, các đội đã tranh luận hết sức thú vị và sâu sắc, gợi mở nhiều vấn đề trong việc bảo tồn di sản.


Kết quả chung cuộc, Giải Nhất thuộc về đội 4T đến từ Khoa Lịch sử (Trường ĐH KHXH&NV), Giải Nhì thuộc về đội Quan hệ quốc tế đến từ Khoa Quan hệ quốc tế (Trường ĐH KHXH&NV), Giải Ba thuộc về đội Bốn vì tinh tú đến từ Trường ĐH Ngoại thương – Trường ĐH Bách khoa – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Giải Tư thuộc về đội Tim Bờ One đến từ Khoa Du lịch – Khách sạn (Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học). Ngoài ra, BTC còn trao Giải Thí sinh xuất sắc nhất, dành cho bạn Trịnh Thủy Ngân đến từ Khoa Kinh tế đối ngoại – Trường ĐH Ngoại thương (đội Bốn vì tinh tú).
 Bài & ảnh: Nhóm Truyền thông