
Với đề tài đầu tiên, nếu như khi nói đến “bản sắc” chúng ta thường nghe cụm từ “bảo tồn và phát huy”, thì thực tế bản sắc còn tự vận động và được kiến tạo. Đối với cá nhân, Tết kiến tạo ý thức về nguồn, vun bồi đời sống tâm linh, nhắc nhở điều chỉnh hành vi và giữ gìn phẩm giá… Đối với tập thể, Tết là lúc cả dân tộc cùng cảm nhận khoảnh khắc thiêng liêng, san sẻ và tha thứ cho nhau, cộng đồng được cố kết bền vững.
Ở đề tài thứ hai, các bạn sinh viên được tìm hiểu bối cảnh Nhật Bản bỏ Tết Âm lịch để đón Tết Dương lịch với tâm thế mặc cảm của một nước lạc hậu trong giai đoạn thịnh hành quan điểm “vị châu Âu” thế kỷ XIX. Không có nền văn hóa nào cao hay thấp hơn, nên việc xem văn hóa phương Tây làm hình mẫu để định hướng các nền văn hóa khác là chưa tôn trọng sự đa dạng và khác biệt về văn hóa.
Sau phần nội dung chính, CLB Văn hóa học lồng ghép tổ chức Họp mặt Tất niên để nhìn lại một chặng đường đã qua, gửi lời tri ân đến những người bạn đồng hành, chia sẻ cho nhau những vui buồn và những ý tưởng mới. Các bạn đã trao gửi những lời tâm tình với nhau vừa ấm áp nhưng cũng không kém phần dí dỏm. Đặc biệt là để hòa vào không khí Tết Mậu Tuất sắp đến, trước khi kết thúc chương trình, CLB Văn hóa học đã gửi đến mỗi bạn một phong bao lì xì nho nhỏ thay lời chúc may mắn cho năm mới.