
Lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra với trình tự các nghi thức tương tự như lễ Kỳ yên của các đình làng ở Nam Bộ. Trong đó có một nghi thức đặc biệt là Xây chầu và Đại bội.
“Xây chầu” là nghi thức đánh trống nhằm khuấy động không gian lễ hội. Về mặt tâm linh, người ta tin rằng tiếng trống chầu là âm thanh “thông thiên triệt địa”, xua đuổi tà ma và mang đến phước lành.
Sau khi kết thúc nghi thức Xây chầu, đoàn hát bội sẽ ra sân khấu thực hiện nghi thức “Đại bội”. Đây là nghi thức tập hợp các màn diễn nhằm giải thích sự hình thành trời đất vạn vật theo triết lý phương Đông. Ở đó, khái niệm triết học sẽ được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa một cách tinh tế, như thái cực, luỡng nghi, tam tài, tứ tượng, ngũ hành.
Sau khi kết thúc nghi thức Xây chầu và Đại bội, đoàn hát sẽ tiến hành hát những vở tuồng hát bội. Tại lễ hội năm nay, ba tuồng hát được Ban Qúy tế chọn diễn gồm Lê Công kỳ án, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, San Hậu.
Chuyến thực tế này cũng là lần đầu tiên CLB Văn hóa học tổ chức ghi hình và thực hiện dự án chuỗi phim tư liệu Bước chân muôn dặm – một hoạt động mới nằm trong chuyên mục Tạp chí văn hóa mà CLB đã thực hiện trước đây. Bước chân muôn dặm số đầu tiên tháng 9/2018, các bạn có thể xem tại đây:
Sau một ngày du khảo thực tế tại nơi đây, tụi mình đã hiểu hơn về một nét đẹp văn hóa Nam Bộ, cũng như là thêm tự hào và mong muốn là người truyền cảm hứng đến các bạn trẻ cần gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong thời hội nhập.
Bài: Hoàng Thảo - Ảnh: Phước Hưng